Nghèo đói khiến bạn khó đạt kết quả tốt trong các bài thi IQ. Trong khi đó, chỉ số IQ trung bình của một quốc gia cũng ảnh hưởng đến GDP đầu người. Theo Business Insider ngày 23/5, mặc dù các nhà nghiên cứu chưa thể xác định mức IQ ảnh hưởng đến thành công của mỗi người, nhưng đã khám phá rằng nhiều yếu tố trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến chỉ số IQ và ngược lại.
1. Trẻ bú sữa mẹ có thể đạt chỉ số IQ cao hơn
Theo một nghiên cứu nhỏ năm 2016, các nhà khoa học theo dõi 180 đứa trẻ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức suốt 28 ngày đầu tiên khi mới ra đời. Khi lên 7 tuổi, nhóm trẻ bú sữa mẹ thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra nhận thức.
2. Trẻ dưới 3 tuổi ăn nhiều đồ có hại thể hiện kém hơn trong các bài thi IQ
Những đứa trẻ dưới 3 tuổi ăn liên tục đồ ăn có hại (nhiều đường, nhiều chất béo) có kết quả kém hơn bạn bè đồng trang lứa trong các bài trắc nghiệm đo lường trí tuệ của Wechsler (WISC), thực hiện năm chúng 8 tuổi. Chế độ ăn uống giàu vitamin và chất khoáng có tác dụng ngược lại.
3. Thiếu thốn vật chất dễ dẫn đến kết quả kém trong các bài thi IQ
Một nghiên cứu nhỏ năm 2013 ở Đại học Princeton (Mỹ) chỉ ra "chức năng nhận thức của một người bị giảm sút bởi việc phải nỗ lực hết sức để đối phó với tình trạng ít tiền, chẳng hạn tránh né việc trả hóa đơn hoặc cắt giảm chi phí".
4. Mối liên hệ với GDP bình quân đầu người
Nếu IQ trung bình của một quốc gia tăng 1 điểm, GDP bình quân đầu người tăng 229 USD và có thể tăng đến 468 USD cho mỗi điểm bổ sung.
Một nghiên cứu năm 2011 của Psychological Science phát hiện rằng khi khảo sát trên 90 quốc gia, "trí thông minh của người dân, đặc biệt là 5% thông minh nhất, đóng góp lớn vào sự hùng mạnh của kinh tế đất nước". Sự thông minh được xác định bởi nhiều yếu tố như điểm thi khoa học và công nghệ, giải thưởng Nobel...
Trong cuốn sách Hive Mind năm 2015, giáo sư kinh tế Garett Jones cũng cho rằng chỉ số IQ của một quốc gia là chỉ số cơ bản cho sự thành công về kinh tế.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra mối liên hệ giữa trí thông minh (được đo lường bằng các bài kiểm tra nhận thức) và tuổi thọ con người. Thậm chí còn có một lĩnh vực nghiên cứu được gọi là dịch tễ học nhận thức nhằm tìm hiểu mối liên hệ này. Cụ thể, người thông minh được cho là có nhiều khả năng sống thọ hơn người khác. Tuy nhiên, điều này chưa được chứng minh một cách triệt để.
IQ có thể liên quan tới EQ (trí tuệ cảm xúc), theo một nghiên cứu năm 2013 được đăng trên tạp chí Social Cognitive & Affective Neuroscience.
Aron Barbey, nhà thần kinh học tại Đại học Illinois, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Sự thông minh theo nghĩa rộng phụ thuộc vào khả năng nhận thức cơ bản như sự tập trung, trí nhớ, ngôn ngữ. Nhưng nó cũng phụ thuộc vào khả năng tương tác với người khác".
--Nguồn: báo VNExpress--