Nói đến điện thoại thông minh (smartphone) bạn sẽ nghĩ ngay đến sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kĩ thuật; nói đến sách, bạn sẽ nghĩ đến một kho tàng tri thức nhân loại đồ sộ.
Bên cạnh việc đọc sách theo cách truyền thống, ngày nay, bạn có thể sở hữu hàng vạn cuốn sách chỉ với chiếc điện thoại thông minh của mình. Hãy cùng chúng tôi khám phá những điều có ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống của chính bạn.
Thời nay, hầu như mỗi người đều ít nhiều tiếp xúc, thậm chí sở hữu những chiếc điện thoại thông minh với những tính năng vượt trội, tuy vậy, không phải ai cũng biết cách sử dụng để chiếc điện thoại thông minh ấy phát huy tối đa tác dụng.
Những trang thiết bị hiện đại giúp nâng cao chất lượng cuộc sống nếu con người sử dụng hợp lí. Thực tế, chúng ta đang lạm dụng việc sử dụng smartphone vào những công việc chưa thật sự mang lại nhiều giá trị… Lướt web, chát chít trên facebook, zalo vài giờ trong ngày chỉ với mục đích giải trí. Phải chăng chúng ta đang giải trí quá đà?
Nhiều người cho rằng giải trí là tốt, nhưng, cái gì quá sẽ không tốt. Trước hết, chúng tôi xin điểm qua một vài tác hại khi chúng ta sa đà vào smartphone một cách thiếu kiểm soát:
Mất ngủ, trầm cảm, lo âu, tăng mức độ căng thẳng
Một thực tế cho thấy trẻ em ngày càng ngủ trễ hơn và dậy trễ hơn bởi các em luôn có trong tay một “người bạn” có thể đồng hành với các em mọi lúc mọi nơi. Đối với các em smartphone là “vật bất li thân”. Chính vì sự “thân thiết” đó mà các em đang hủy hoại sức khỏe của chính mình. Theo The Health Site, ánh sáng từ điện thoại được các cơ quan trong cơ thể xử lý như ánh sáng ban ngày. Nếu bạn sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ, khả năng mất ngủ sẽ rất cao.
Hơn thế, việc dành quá nhiều thời gian sử dụng smartphone có thể gây ra lo lắng, thậm chí trầm cảm. Nghiên cứu từ Đại học Northwestern (Mỹ) cho biết người bị trầm cảm thường trung bình sử dụng điện thoại 68 phút mỗi ngày, trong khi những người có sức khỏe tâm thần tốt chỉ sử dụng 17 phút mỗi ngày.
Tổn thương ngón tay, cổ tay, đau cổ
Nếu bạn sử dụng smartphone hơn 6 giờ/ngày, ngón tay và cổ tay sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.
Ngoài ra, nhắn tin quá nhiều trong một số trường hợp sẽ dẫn đến tình trạng đau tay trầm trọng do một dây thần kinh bị chèn ép ở cổ tay. Việc cúi đầu quá nhiều trong lúc sử dụng điện thoại sẽ làm xương cổ phải chịu lực nhiều hơn.
Các bệnh về mắt, nhiễm vi khuẩn
Nhìn quá lâu vào màn hình smartphone có thể gây khô mắt, mờ mắt, đỏ mắt, thậm chí gây cảm giác bỏng rát trong mắt.
Nghiên cứu của Đại học Arizona phát hiện smartphone có trung bình số lượng vi khuẩn gấp 10 lần bồn cầu vệ sinh. Trong khi bạn có thể làm sạch nhà vệ sinh thường xuyên, còn khả năng lau chùi điện thoại lại ít hơn, thậm chí không bao giờ.
Sử dụng điện thoại thường xuyên có khả năng gây ung thư
Mới đây nhất, vào tháng 5/2014, các nhà khoa học Pháp đã đưa ra báo cáo cảnh báo những người thường xuyên sử dụng điện thoại di động có nguy cơ phát triển một số loại ung thư não. Các nhà khoa học Pháp phát hiện thấy những cá nhân sử dụng điện thoại hơn 15 tiếng mỗi tháng trong bình quân 5 năm có nguy cơ phát triển u màng não và u thần kinh đệm gấp 2 - 3 lần so với những người ít khi dùng điện thoại.
Như thế, lạm dụng điện thoại thông minh không chỉ gây hại về sức khỏe mà còn tác động không nhỏ đến tinh thần. Vậy, phải sử dụng như thế nào để đảm bảo về sức khỏe và phát huy những tính năng hữu ích?
Điều cần thiết nhất là chúng ta phải giới hạn thời gian tiếp xúc với smartphone và cần định hướng mục đích sử dụng smartphone sao cho có hiệu quả. Hãy hướng việc sử dụng smartphone vào việc đọc tin tức, tìm kiếm thông tin liên quan đến công việc và học tập, hoặc, ở mức độ cao hơn, biến smartphone thành một cuốn sách bổ ích.
Từ bao đời nay, nhân loại tiếp cận thông tin chủ yếu qua sách, báo. Nghe qua có vẻ khó tin nhưng những kiến thức trình bày trên những thiết bị thô sơ ấy đã đào tạo ra bao thiên tài cho nhân loại. Ngày nay, với sự tiến bộ của các thiết bị kĩ thuật số, tại sao chúng ta không vận dụng triệt để vào việc hình thành tri thức, ươm mầm cho những khát vọng tương lai?
Về phương diện tiếp cận thông tin, chúng ta hơn hẳn những người đi trước về nhiều mặt: thứ nhất, sách báo ngày càng đa dạng với đẩy đủ các lĩnh vực trong cuộc sống; thứ hai, nếu không có sách in, chúng ta có thể đọc sách điện tử, nghe sách nói,… thứ ba, để tiếp cận được với sách báo, ngoài cách truyền thống (tìm mua sách, báo để đọc) chúng ta có thể tiếp cận hàng loạt thông tin cũng như những quyển sách có giá trị thông qua internet bằng một thiết bị sẵn có - smartphone.
Nhu cầu tìm kiếm thông tin là thị hiếu của tất cả mọi người, nhưng việc biết chắt lọc những thông tin cần thiết phục vụ học tập và làm việc thì không phải ai cũng làm được. Chúng ta vô thức lướt trên các trang mạng, và truy cập một cách bản năng vào bất cứ thông tin nào đang hiển hiện. Đó chính là cách chúng ta đang đốt cháy thời gian quý báu của chính mình.
Chỉ cần định hướng lại mục đích tiếp cận thông tin, tìm đọc những trang sách có giá trị, chúng ta sẽ nhận được vô số những lợi ích đến không ngờ.
Chúng tôi xin điểm qua vài tác dụng tích cực khi chúng ta tìm đọc sách, báo, những thông tin bổ ích (gọi tắt là đọc sách):
Hết lo ngại vì khả năng diễn đạt của bản thân
Chúng ta rất giỏi khi bàn luận một vấn đề trên mạng xã hội nhưng đứng trước các câu hỏi ngoài thực tế, chúng ta lại ấp úng. Hiểu được, cảm nhận được nhưng không sao diễn đạt được. Vâng, đó là dấu hiệu của triệu chứng nghèo nàn về ngôn ngữ và hạn chế về khả năng diễn đạt. Đừng quan ngại, sách sẽ giúp bạn cải thiện điều đó. Đọc sách sẽ là một công cụ tuyệt vời trong việc giúp bạn rèn luyện tư duy, tăng cường, bổ sung vốn từ vựng và khả năng diễn đạt.
Đọc sách để có những cảm nhận tinh tế hơn
Bạn đam mê khoa học, tất nhiên hãy đọc nó; bạn chán phèo kiến thức lịch sử khô khan, vậy bạn hãy đọc những quyển sách viết về chiến thuật dụng binh của những chính trị gia lỗi lạc; bạn cho rằng văn chương là phù phiếm, vậy thì hãy tìm đến những tác phẩm viết về chiến tranh để cảm nhận sự tàn khốc mà chiến tranh để lại hay những tác phẩm viết về vùng đất hoang sơ, nơi những con người phải ngày đêm đối mặt với đói rét, khổ cực, để qua đó thấu hiểu kiếp sống nhân sinh,…
Mỗi một môn học đều có những cái hay và hấp dẫn của nó, chúng ta phải đọc sách mới có thể khám phá ra những điều bí ẩn ấy.
Cách làm mới bản thân hằng ngày
Bạn sẽ làm cho người khác – hay nói rộng ra là cả thế giới – bất ngờ về bạn. Thầy giáo, cô giáo, bạn bè, người thân… sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bạn thốt ra một quy luật được chính bạn đúc kết qua sách vở. Hằng ngày, khi đọc được một trang sách là khi ấy bạn đang tích lũy những hạt kim cương nhỏ bằng hạt cát, đến một ngày nào đó, chính những hạt kim cương nhỏ này sẽ kết dính thành một viên kim cương to lớn với trọng lượng vài carat.
Cách để khơi nguồn những năng lực tiềm ẩn
Đọc sách giúp khơi nguồn những tiềm năng còn ẩn dấu. Rất nhiều người cho rằng bản thân không có điểm mạnh. Có thật sự các bạn đang rất tệ hay chính bạn chưa phát hiện ra những giá trị đích thực của bản thân mình? Không ai giỏi hoàn toàn và cũng chẳng có ai dở toàn diện, nhân gian có câu “nhân vô thập toàn” là vậy. Mỗi người đều có điểm mạnh riêng, chỉ là ta chưa tìm ra hoặc chưa biết cách khai thác chúng.
Hãy thử qua vài quyển sách về khoa học, hội họa, văn học, toán học, thiên văn, địa lý… bạn sẽ tìm thấy chính mình trong đó, và biết đâu, người đang cầm trên tay những quyển sách ấy lại chính là chủ nhân tương lai trong lĩnh vực mà họ đang nghiên cứu.
Ngay từ bây giờ, hãy cầm lên một quyển sách hoặc truy cập vào những trang sách điện tử, những trang thông tin cung cấp tri thức để biến đổi bản thân hằng ngày. Đừng chậm trễ, thời gian như những ngôi sao băng sẽ nhanh chóng vụt đi, không chờ đợi bạn.
Những vĩ nhân của nhân loại cũng có khởi đầu không khác bạn.
Hãy góp nhặt từng trang để một ngày không xa, bạn sẽ trở thành một “quyển sách” có giá trị. Đừng quên kể cho chúng tôi nghe những gì bạn đã trải nghiệm.
Hạnh Tiên