ĐỂ HỌC SINH SAY MÊ HỌC TẬP: ĐÓ LÀ NGHỆ THUẬT

12:36 | 13-04-2018 624 lượt xem

Việc dạy học ở không ít trường phổ thông hiện đang theo hướng thầy đọc, trò chép. Cách truyền đạt kiến thức bị bó buộc bởi nhiều nguyên nhân: cơ sở vật chất, giáo viên, tư duy lạc hậu... Theo một số chuyên gia tại hội thảo “Giáo dục khai phóng, nền tảng giáo dục cho học sinh thời đại 4.0” do Trường Gateway tổ chức ngày 17/3, thay đổi phương pháp để học sinh say mê là cả một nghệ thuật.

 

Phương pháp dạy lạc hậu

Trong một hội thảo trước đây về thực trạng dạy và học ở trường phổ thông, PGS Chu Cẩm Thơ (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đã đến gần 100 trường và tiếp xúc với hàng nghìn trẻ em nhưng đáng tiếc, nhiều em không được hưởng những phương pháp giáo dục hay. Có nhiều giáo viên giỏi, rất giỏi, tìm đến cách dạy tốt nhất cho trẻ em nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ.

Số còn lại chủ yếu là áp đặt, thực hiện những cách dạy lạc hậu. Những giờ học khép kín, thầy đọc trò chép, không cho các em trải nghiệm những bài học ứng dụng thực tiễn và áp đặt trẻ trong việc hiểu đúng theo một cách.

Điều này trùng với quan điểm của chuyên gia giáo dục mới - Thạc sĩ Hoàng Anh Đức, khi cho rằng, cần phải để học sinh quyết định chương trình giáo dục.

Theo Anh Đức, việc dạy học ở trường phổ thông đang theo hướng thầy đọc, trò chép. Cách truyền đạt kiến thức bị bó buộc bởi nhiều nguyên nhân: cơ sở vật chất, giáo viên, tư duy lạc hậu... Do đó, học sinh chỉ được tiếp cận thông tin từ những gì giáo viên truyền thụ.

 

“Các trường học tại Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn theo phương pháp giáo dục truyền thống: dạy kiến thức, kỹ năng để làm một công việc cụ thể, chưa chú trọng dạy học sinh cách tư duy, giải quyết vấn đề... nên khó có thể đáp ứng được những đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới”, Thạc sĩ Anh Đức cho hay.

Cũng nhận xét về phương pháp dạy học, một chuyên gia đến từ Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP Hồ Chí Minh), hiện nay việc dạy đóng khung rất phổ biến. Trong nhà trường, giáo dục thực hiện theo lối “dàn hàng ngang” và cào bằng tất cả các đối tượng học sinh, không có sự phân loại theo năng lực. Giáo viên đưa ra mệnh đề, học sinh áp dụng máy móc, không hiểu bản chất.

Để học sinh quyết định

Tại Hội thảo, PGS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, cố vấn chương trình Toán học tại Trường phổ thông liên cấp Quốc tế Gateway, một trong những trường trường tiên phong đưa tư tưởng Giáo dục khai phóng áp dụng vào mô hình đào tạo tại Việt Nam cho biết, trong tất cả các môn học ở trường, có lẽ Toán là một môn học khô khan mà rất ít bạn nhỏ hứng thú.

Để học sinh hứng thú ở phương pháp dạy học mới, “nghệ thuật” mà PGS đưa ra - đơn cử ở một giờ học Toán tiểu học, có bánh bích quy, hoa hồng và thậm chí có cả socola. Học sinh dùng hộp bánh vẽ hình tròn, dùng những chiếc bánh để làm phương pháp đếm... Buổi học đã trôi qua hào hứng.

PGS Lê Anh Vinh cho biết thêm, học sinh học kiến thức thụ động từ thầy cô và vận dụng giải bài tập một cách máy móc, rập khuôn. Nếu chẳng may gặp một dạng bài tập chỉ thay đổi đôi chút, tuy áp dụng cùng kiến thức đã học nhưng phần lớn các em sẽ “đầu hàng” và nói “Bài này con chưa được học”, bài tập đó sẽ bị gác lại đến khi thầy cô giáo hướng dẫn, chữa bài tỉ mỉ từng bước.

Bên cạnh đó, các hoạt động học Toán trên lớp của học sinh chưa được phong phú, đa dạng, chủ yếu các em sẽ học thuộc và ghi chép như bảng tính cộng, bảng tính trừ, bảng cửu chương,…

Chính những điều này đã vô tình giết chết niềm đam mê và sự yêu thích Toán học ngay từ ngày đầu các em học sinh tiếp xúc với môn học này. Do đó với học sinh, học Toán chỉ là nghĩa vụ để lấy điểm và thi cử.

Còn theo chuyên gia Hoàng Anh Đức, để giải quyết bất cập trên, mô hình giáo dục khai phóng - đào tạo con người toàn diện, được các chuyên gia giáo dục đánh giá sẽ trở thành tư tưởng thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục tại Việt Nam.

“Nếu trước đây, xã hội và giáo viên quyết định kiến thức thì quan niệm hiện nay đã không còn như thế. Với cuộc cách mạng 4.0, giáo dục cũng phải thay đổi cách tiếp cận phù hợp. Theo đó, chương trình giáo dục sẽ do giáo viên và học sinh quyết định một cách dân chủ và tiến tới, học sinh phải là người quyết định kiến thức”, Thạc sĩ Hoàng Anh Đức nói.

*Nguồn: Dân Trí