7 điều phụ huynh nên dạy để trẻ trở thành người hạnh phúc

06:11 | 30-05-2018 722 lượt xem

Để trẻ không tự ti về ngoại hình khi so sánh với người khác, bạn có thể cho trẻ xem ảnh thần tượng hồi bé chưa qua chỉnh sửa - Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về "7 điều phụ huynh nên dạy để trẻ trở thành người hạnh phúc" nhé !

1. Yêu bản thân với những gì mình có

"Mary có mái tóc đẹp, mắt của Kate thì rất to. Còn con thì xấu xí". Dù sớm hay muộn, mọi đứa trẻ đều sẽ bắt đầu so sánh bản thân với những đứa trẻ khác và điều đó có thể là vấn đề trong tương lai.

Do vậy, phụ huynh đừng lờ đi mầm mống của sự tự ti. Nếu con có thần tượng, bạn hãy cho trẻ xem ảnh thần tượng ngày bé hoặc ảnh không qua xử lý Photoshop. Bằng cách này, bạn nhắn nhủ đến trẻ rằng vẻ đẹp không nằm ở sự hoàn hảo mà ở sự độc đáo của bản thân mỗi người.

2. Thể thao là một phần của cuộc sống

Một số trẻ quá nhút nhát và dè dặt. Chúng thích ở nhà hơn gặp gỡ bạn bè. Để giúp con hòa đồng hơn, bạn hãy gợi ý trẻ tham gia một môn thể thao đồng đội. Một nhóm trẻ có chung sở thích sẽ ảnh hưởng tích cực lẫn nhau. Hơn nữa, thể thao góp phần cải thiện sự tự tin ở trẻ. 

Tuy nhiên, phụ huynh cần lắng nghe mong muốn của con, để con lựa chọn hoạt động thực sự yêu thích. Con trai thổ lộ thích nhảy, bố mẹ đừng ép con chơi bóng chày. Nếu không, trẻ sẽ ghét mọi thứ liên quan đến thể thao.

3. Yêu những gì mình làm

Lặp đi lặp lại những hoạt động ở trường, câu lạc bộ thể thao, học với gia sư, làm bài tập về nhà khiến con mệt mỏi và kiệt sức. Tất cả những gì chúng muốn là thư giãn và dành thời gian với bạn bè.

Một phần nguyên nhân là phụ huynh cố nhồi nhét quá nhiều hoạt động trong ngày, kỳ vọng quá nhiều ở con. Để trẻ cảm nhận được niềm vui trong từng việc mình làm, bạn hãy cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi, dành một tiếng mỗi ngày cho sở thích riêng như trò chơi điện tử, vẽ tranh hoặc làm đồ thủ công.

4. Biết giúp đỡ và bảo vệ kẻ yếu

Một ngày, trẻ có thể trở về nhà và kể chuyện một bạn nam bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Trẻ biết chuyện đó là sai nhưng không biết cách giúp đỡ và không dám thử làm gì đó.

Điều này xuất phát từ việc trẻ sợ sẽ biến thành nạn nhân tiếp theo. Ngay cả người lớn cũng có chung nỗi sợ, nhiều người thường chọn cách nhắm mắt làm ngơ.

Dạy con đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ người khác là nhiệm vụ khó khăn. Bạn hãy bắt đầu bằng cách yêu cầu con giúp làm việc nhà, chịu trách nhiệm cho một số việc nhỏ như trông em, chăm sóc thú cưng.

5. Điểm số không phải điều quan trọng nhất

Mỗi khi bị điểm kém, nhiều trẻ thường khóc, sợ phải nói với bố mẹ vì không muốn bị phạt.

Phụ huynh nhiều khi gây áp lực cho con về điểm số mà không nhận ra điều đó. Điểm số phản ánh việc thu nhận kiến thức, nhưng bạn không nên quát mắng hay trách phạt khi con nhận điểm kém. Thay vào đó, bạn hãy chỉ nói: "Con không đạt điểm cao à? Đừng buồn nhé. Lần tới con sẽ làm tốt thôi!". Lời nói khích lệ tiếp thêm sức mạnh để trẻ không e ngại những khó khăn trong tương lai.

6. Học cách phản kháng

Khi bị bạn cùng lớp bắt nạt, chế giễu, trẻ tổn thương về mặt cảm xúc và không muốn đến trường.

Trong những tình huống như vậy, phụ huynh không nên can thiệp trực tiếp để tránh làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Bạn hãy giải thích cho con rằng vấn đề nằm ở những kẻ bắt nạt, chúng muốn trở nên quyền lực hơn khi làm con buồn bã hay sợ hãi. Do đó, con nên thể hiện cho chúng thấy những lời ác ý không ảnh hưởng đến con. Nếu con nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt nạt, cười và tỏ ra không quan tâm, chúng sẽ dần mất hứng thú trong việc trêu chọc một kẻ không phản ứng.

7. Học cách nói "không"

Một bạn cùng lớp yêu cầu trẻ cho xem bài trong giờ kiểm tra. Nếu trẻ đồng ý, giáo viên sẽ nhận ra hai bài có đáp án y hệt nhau và trừ điểm cả hai.

Để giúp trẻ đối phó với những chuyện này, phụ huynh nên giúp con biết rằng mỗi người đều cần dành rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho bài kiểm tra, việc gian lận là tự hạ thấp giá trị bản thân. Trong tình huống đó, con hãy nói "Tớ chưa làm xong. Đừng làm tớ phân tâm". Câu nói này giúp con tự tin và không bị ai thao túng.

--Nguồn: Vnexpress--